Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Người tiêu dùng hoang mang giữa nước mắm thật và giả

Những lô hàng nước mắm được làm giả không phải là hiếm trên thị trường hiện nay. Mặc dù chưa từng công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thế nhưng những sản phẩm này vẫn được tiêu thụ với số lượng khá lớn. Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy hoang mang.

Từ lâu, hương vị thơm dịu, mặn mòi của nước mắm đã len lỏi vào từng bữa cơm của mỗi gia đình và trở thành thứ gia vị không thế thiếu với các bà nội trợ trong từng căn bếp nhỏ. Chén nước mắm nguyên chất đong đầy tình yêu thương, “quốc hồn, quốc túy” của ẩm thực Việt. Là loại gia vị phổ biến nhưng hiện nay, nước mắm giả nhãn hiệu, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu “mập mờ” đang bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay. Trong cuộc chiến giữa "thật và giả" không những gây ảnh hưởng không nhỏ đến các sản phẩm "chính hãng", mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Các tiêu chuẩn về nước mắm
Theo TCVN 5107:2003, nước mắm được phân thành bốn hạng là đặc biệt, thượng hạng, hạng 1, hạng 2 dựa theo độ đạm.
Yêu cầu về nguyên liệu bao gồm: cá tươi, có chất lượng phù hợp, muối ăn phù hợp và nước đạt tiêu chuẩn theo quyết định 1329/2002/BYT/QĐ về “Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống”.

Các chỉ tiêu hóa học của nước mắm gồm hàm lượng nitơ toàn phần tính bằng g/l (theo thứ tự là 30-25-15-10), hàm lượng nitơ axit amin, tính bằng % so với nitơ toàn phần, không nhỏ hơn 55-50-40-35, hàm lượng nitơ amôniac, tính bằng % so với nitơ toàn phần, không lớn hơn 20-25-30-35 và hàm lượng muối từ 145-295g/l.

Ngoài ra, các chỉ tiêu vi sinh vật, dư lượng kim loại nặng trong nước mắm và phụ gia trong nước mắt cũng được quy định trong TCVN 5107:2003.
Về nhãn mác, TCVN 5107:2003 yêu cầu phải có tối thiểu thông tin về hàm lượng đạm tổng số.

Bao bì bán lẻ phải ghi các nội dung: nước mắm và tên loài cá sử dụng để sản xuất, tên; địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần, độ đạm tổng số và đạm axit amin, thể tích nước mắm, thời hạn sử dụng…

Tuy nhiên, thành phần thường thấy của một chai nước mắm hiện nay gồm nước, tinh chất cá, đường, muối, chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo ngọt tổng hợp…
Làm sao nhận biết đâu là nước mắm thật, đâu chỉ là nước chấm có màu?
Ngoài yếu tố công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện mà người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ và xem xét khi quyết định lựa chọn sản phẩm, thì để có chai nước mắm ngon cần phải lưu ý:

Tiêu chí quan trọng nhất là Độ đạm: Đạm càng cao nước mắm sẽ càng ngon và có dinh dưỡng. Đây chính là ưu tiên hàng đầu khi người tiêu dùng lựa chọn mua nước mắm. Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) có 4 loại: Độ đạm lớn hơn 30No là loại đặc biệt, độ đạm lớn hơn 25No là loại thượng hạng, độ đạm lớn hơn 15No là loại hạng 1, độ đạm lớn hơn 10No là loại hạng 2. Như vậy, độ đạm càng cao thì càng quyết định chất lượng của mắm.

Tiêu chí thứ 2 là Màu sắc: Nước mắm phải có độ trong suốt và màu đặc trưng (vàng, vàng rơm, cánh gián).

Tiêu chí thứ 3 chính là Mùi vị: Nước mắm ngon có mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, ngọt đậm, dịu xuống cổ họng... Đây chính là nước mắm có độ đạm tốt. 
Nên minh bạch giữa nước mắm, nước chấm
Trước sự nhập nhèm giữa nước mắm và nước chấm, Bộ Y tế quyết định thanh tra toàn bộ thị trường nước mắm đóng chai. Theo ông Đặng Văn Chính - Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, đây là lần thanh tra thị trường nước mắm đầu tiên trong hơn 10 năm trở lại đây. Theo đó, Thanh tra Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Cục An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra toàn bộ thị trường nước mắm, nước chấm đóng chai trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét